Thông tin chuyên đề: Tìm hiểu những điểm nổi bật trong một số chính sách, pháp luật mới sửa đổi, ban hành

Trung tâm Thông tin khoa học trân trọng giới thiệu với bạn đọc ấn phẩm

Thông tin chuyên đề hưởng ứng ngày Pháp luật Việt Nam (9/11)

TÌM HIỂU NHỮNG ĐIỂM NỔI BẬT
TRONG MỘT SỐ CHÍNH SÁCH, PHÁP LUẬT MỚI SỬA ĐỔI, BAN HÀNH

 

      Công tác tuyên truyền, phổ biến và giáo dục pháp luật luôn có vị trí và vai trò vô cùng quan trọng trong quá trình xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa hiện nay, là một bộ phận của công tác giáo dục, là trách nhiệm của toàn bộ hệ thống chính trị, dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam và sự điều phối, tổ chức thực hiện của các cơ quan nhà nước và các tổ chức, đoàn thể; là khâu then chốt, quan trọng để chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của nhà nước thực sự đi vào cuộc sống xã hội, đi vào ý thức, hành động của từng chủ thể trong xã hội.

       Ngày Pháp luật Việt Nam bắt nguồn từ sáng kiến của địa phương. Xuất phát từ nhu cầu đa dạng hóa các hình thức phổ biến giáo dục pháp luật đã tổ chức triển khai mô hình này với tính chất là một ngày sinh hoạt pháp luật tập trung để cán bộ, công chức, viên chức, Nhân dân nghiên cứu, tìm hiểu pháp luật. Từ mô hình này, năm 2010, Hội đồng Phối hợp công tác Phổ biến giáo dục pháp luật của Chính phủ (nay là Hội đồng Phối hợp Phổ biến giáo dục pháp luật Trung ương) đã hướng dẫn việc nhân rộng trên phạm vi toàn quốc và được đánh giá là một cách làm mới, tích cực, góp phần đa dạng hóa các hình thức Phổ biến giáo dục pháp luật hiện có.   

       Ngày 20/6/2012, tại kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XIII đã thông qua Luật Phổ biến giáo dục pháp luật. Xuất phát từ vai trò của pháp luật, ý nghĩa của Hiến pháp năm 1946 - Bản Hiến pháp đầu tiên của nước Việt Nam dân chủ cộng hòa với những giá trị về tư tưởng pháp quyền, quyền lực thuộc về Nhân dân, bảo đảm quyền con người, quyền công dân và thực tiễn triển khai mô hình “Ngày Pháp luật”, kết hợp với tham khảo kinh nghiệm của một số quốc gia trên thế giới, Luật Phổ biến giáo dục pháp luật đã quy định ngày 9/11 hằng năm là Ngày Pháp luật nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam (Điều 8) - Ngày Quốc hội nước Việt Nam dân chủ cộng hoà thông qua Hiến pháp năm 1946. Ngày Pháp luật được tổ chức nhằm tôn vinh Hiến pháp, pháp luật, giáo dục ý thức thượng tôn pháp luật cho mọi người trong xã hội.

      Bên cạnh việc tuyên truyền, giáo dục ý thức tuân thủ và chấp hành pháp luật, qua các hoạt động hưởng ứng Ngày Pháp luật Việt Nam cũng nâng cao ý thức, trách nhiệm của cán bộ, công chức, viên chức, người lao động và Nhân dân trong chủ động tìm hiểu, học tập pháp luật. Góp phần giải quyết những vấn đề dư luận người dân, xã hội quan tâm, trọng tâm là các lĩnh vực phòng, chống dịch bệnh; phòng, chống tham nhũng, lãng phí; cải cách hành chính; bảo vệ môi trường; đất đai…

     Hưởng ứng ngày Pháp luật Việt Nam năm 2021 và tiếp tục lan tỏa tinh thần thượng tôn Hiến pháp và pháp luật, chúng tôi sưu tầm, tuyển chọn, biên soạn và giới thiệu ấn phẩm chuyên đề “Tìm hiểu những điểm nổi bật trong một số chính sách, pháp luật mới sửa đổi, ban hành”.

(Click vào đây để xem nội dung chi tiết)

 

TRUNG TÂM THÔNG TIN KHOA HỌC